Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ - THỂ DỤC THỂ THAO “MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN GIÁP NGỌ NĂM 2014”



Một năm bắt đầu bằng mùa xuân. Xuân của đất trời được đánh dấu bằng sự chuyển mình căng tràn nhựa sống của vạn vật. Xuân của đất nước, của dân tộc được đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới ánh sáng soi đường chỉ lối của Đảng quang vinh, cả dân tộc được chào đón những mùa xuân hạnh phúc, yên bình, phồn thịnh, ấm no.  
Với ý nghĩa tạo không khí vui tươi, và sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong dịp tết nguyên đán năm 2014, phòng văn hóa và thông tin huyện Ea H’Leo tổ chức các họat động văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao nhân dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/21930 – 03/02/2014) như sau:    
Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan: hệ thống panô trên địa huyện có nội dung tuyên truyền Mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Giáp Ngọ năm 2014, treo cờ Đảng cờ tổ quốc trên các tuyến đường trung tâm huyện.
Đội tuyên truyền lưu động phục vụ cơ sở mang lại hiệu quả cao tuyền truyền nội dung về an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông và các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong dịp tết nguyên đán nhằm giúp nhân dân hiểu và chấp hành tốt đón tết an toàn, vui vẻ, hạnh phúc, ấm no.
Xây xựng kế hoạch tập luyện chương trình tổ chức đêm văn nghệ “Mừng Đảng, Mừng Xuân Giáp Ngọ” năm 2014 và chào mừng 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức hôi thao gồm các môn bóng chuyền, nhảy bao bố, kéo co đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến xem và cổ vũ cho các đội thi đấu. 



 Thư viện Huyện thường xuyên đặt 15 đầu báo và tạp chí phục vụ bạn đọc, tiếp tục khai thác hiệu quả dự án BMGF nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet tại Việt Nam, tăng cường chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, bạn đọc đến với thư viện ngày càng đông tìm hiểu qua sách báo tạp chí và truy cập internet, chất lượng phục vụ bạn đọc cũng được nâng cao nhằm tạo ra không khí vui tươi hăng say trong tìm hiểu và học tập tại thư viện của bạn đoc.   

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí thiết thực và lành mạnh diến ra đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi, nhằm phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện đón tết thật vui ve, hào hứng khởi đầu cho một năm tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Những nét đẹp truyền thống ngày tết nguyên đán của người Việt

Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng về những thay đổi tốt lành. Sau những tháng ngày tảo tần, vất vả làm ăn, “năm hết Tết đến” là dịp để mọi người nghỉ ngơi và sum họp. Bởi thế Tết là một sinh hoạt văn hóa với nhiều ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và cao quý của dân tộc Việt Nam ta.
Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, có người phải đi làm ăn nơi đất khách quê người. Vì thế, ngày Tết là ngày để mọi người được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình của mình. Hầu hết mọi người, dù có khó khăn đến đâu, dù cách xa đến đâu, họ cũng cố gắng trở về để cùng đón Tết với gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết. Các mẹ, các chị thì lo việc bếp núc, cổ bàn, còn những người đàn ông, con trai thì lo quét dọn nhà cửa, vườn tược, bàn thờ gia tiên cho trang nghiêm, sạch đẹp.
Ngày thường, rất hiếm khi tất cả các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày Tết mọi người trong gia đình mới có cơ hội để quây quần bên nhau, cùng ăn cơm với nhau và cùng nhau hàn huyên tâm sự, chia sẻ và cảm thông cho nhau. Do vậy, ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình huyết thống của mình. Sự trở về này làm cho mọi người cảm thấy ấm áp tình người, không còn thấy mình bị lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời táp nập. Nét đẹp văn hóa truyền thống ngày tết Cùng với sự trở về với gia đình huyết thống là sự trở về với gia đình tâm linh. Từ rất xa xưa, người Việt chúng ta đã biết thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến mấy, mọi gia đình đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cổ để cúng ông bà, tổ tiên, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Tết với con cháu. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của những người con đất Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không ngừng.
Người Việt chúng ta đã nhắc nhở nhau rằng:
“Mồng một ăn Tết nhà cha
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.”
Qua đây cho chúng ta thấy rằng, người Việt Nam rất trọng hiếu đạo. Làm người thì điều quan trọng nhất là phải hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ là người sinh ra ta, giáo dưỡng ta nên người, đã chịu không biết bao nhiêu cay đắng để cho chúng ta có được một cuộc sống ngọt bùi. Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho con. Vì thế, làm con thì phải hiếu thảo với cha mẹ, ngày đầu năm phải thăm viếng cha mẹ, mừng tuổi cha mẹ, phải chăm lo cho cha mẹ để cha mẹ được vui lòng.
Sau cha mẹ là người thầy. Cha mẹ là người sinh ra ta, còn thầy là
người tác thành sự nghiệp cho ta, dạy cho ta biết những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Ân tình của thầy cũng vô cùng sâu nặng. Cho nên làm người thì phải biết đền đáp công ơn dạy dỗ của thầy. Một trong những cách thức thể hiện lòng biết ơn và đền ơn đối với thầy là phải thăm viếng thầy vào dịp đầu Xuân. Người học trò không nhất thiết phải đem mâm cao cỗ đầy đến cho thầy, chỉ cần đến với thầy bằng tấm chân tình thì dù không có một món quà nào cả cũng đủ làm ấm lòng thầy, đủ làm cho thầy hạnh phúc lắm rồi.
Sự viếng thăm những người thân, những vị ân nhân trong ngày Tết là một nghĩa cử cao đẹp. Và có một điều mà người Việt chúng ta cũng rất chú trọng trong dịp Tết, đó là sự thận trọng trong mọi cử chỉ, hành vi của mình. Bởi mọi người nghĩ rằng, những gì diễn ra trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của năm đó, cho nên mọi người rất thận trọng trong lời nói, cách ứng xử của mình và trong việc làm của mình. Ngày tết, mọi người kiêng cử những lời gắt gỏng, những hành động, việc làm thô lỗ như chửi mắng, đánh đập… Dù cho trong năm cũ có những sự hiểu lầm, thù oán hay ganh ghét, đố kỵ nhau thì đến ngày Tết người ta cũng vui vẻ bỏ qua cho nhau, mọi người thường nhắc nhở nhau rằng, “Giận đến chết, ngày Tết cũng vui”. Đây chính là sự biểu hiện của một sức sống cộng đồng thân ái, bao dung, độ lượng và đầy trách nhiệm. Trong những ngày Tết còn có nhiều trò vui chơi giải trí, các hội thi bình dân, lành mạnh và bổ ích để cho mọi người có thể vui chơi, như là đua thuyền, thi đấu vật, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co... Các cuộc thi này bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem. Tục xin chữ ngày Tết, treo câu đối đỏ, treo tranh thư pháp... cũng là những thú chơi tao nhã và mang nhiều ý nghĩa cao quý. Đầu năm người thường xin chữ nhẫn, chữ phúc, lộc, thọ, chữ tâm, chữ đức... Những chữ này cũng như nội dung của các câu đối, các câu thư pháp đều chứa đựng trong nó những ý nghĩa sâu sắc. Ngoài những câu có nội dung cầu chúc những điều may mắn cho năm mới, còn lại phần lớn là những câu, những chữ có tác dụng giáo dục đạo đức, tình cảm cho con cháu trong gia đình.
Những nét đẹp trong nếp sống ngày Tết của nhân dân ta có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Giữ gìn và phát huy những nét đẹp ấy là một việc làm có ý nghĩa, góp phần làm cho bộ mặt và bản sắc văn hóa Việt thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh, và tốt đẹp hơn.
Những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, công tác văn hóa phải là những người đi đầu và làm gương trong việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong nếp sống ngày Tết của người Việt. Và tất cả mọi thành viên trong xã hội cũng phải nêu cao ý thức này. Có như thế đất nước ta mới có thể càng ngày càng tiến bộ, càng ngày càng văn minh, hạnh phúc.

                                                                     Nguồn tin:/ Sưu tầm











Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

PHÁT TRIỂN NHU CẦU THÔNG TIN TRONG CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG

Thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã hội thông tin, trong đó thông tin và tri thức ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhiều người cho rằng khả năng khai thác và sử dụng thông tin là tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong thời đại ngày nay. Hoạt động thông tin – thư viện, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của bạn đọc vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển, con đường duy nhất của chúng ta là khai thác triệt để nguồn thông tin khoa học phong phú trên thế giới, vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của Việt Nam. Đảm bảo thông tin cho các tầng lớp nhân dân là sứ mạng của hệ thống các cơ quan thông tin – thư viện Việt Nam, trong đó có hệ thống thư viện công cộng.
Theo tinh thần Pháp lệnh thư viện, thư viện công cộng do ủy ban nhân dân các cấp thành lập, có đối tượng phục vụ là toàn bộ cư dân địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của các thư viện công cộng là thỏa mãn nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Trong thực tiễn, đây là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp vì đối tượng phục vụ của thư viện công cộng đa dạng và có thể phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Theo lứa tuổi, người sử dụng thông tin của thư viện công cộng bao gồm cả thiếu nhi và người lớn (đang trong độ tuổi lao động và đã nghỉ hưu). Theo nghề nghiệp, họ là những người trực tiếp tham gia hoạt động lao động sản xuất ở tất cả các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
Như vậy các thư viện công cộng có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là những người lao động và chuẩn bị tham gia lao động. Trước hết cần phải nhận thức rõ nhu cầu thông tin là đòi hỏi khách quan của cá nhân hoặc một nhóm người đối với việc tiếp nhận và sử dụng thông tin/ tài liệu. Nhu cầu thông tin – một nhu cầu tinh thần của con người – thường nảy sinh và phát triển trong quá trình con người tham gia các hoạt động sống khác nhau, nhằm giải quyết yêu cầu của các hoạt động đó. Hoạt động càng phức tạp, nhu cầu thông tin càng phát triển. Điều kiện xã hội diễn ra hoạt động thay đổi cũng làm nhu cầu tin biến đổi theo. Nhu cầu sử dụng thông tin trong các thư viện công cộng không chỉ đa dạng theo các nhóm người mà còn luôn biến đổi dưới tác động của các nhân tố xã hội khác nhau. Nhu cầu thông tin của họ gắn bó chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất. Người công nhân sẽ có ham muốn tìm kiếm thông tin, cải tiến quy trình lao động để đạt năng suất cao hơn. Người nông dân cũng say mê học hỏi kinh nghiệm nếu muốn tăng năng suất trên mảnh đất của mình,... Nhu cầu thông tin của họ được thỏa mãn đầy đủ, đồng nghĩa với năng suất lao động xã hội có điều kiện được nâng cao hơn. Thư viện công cộng là một trong những kênh thông tin quan trọng và thuận lợi giúp cho các tầng lớp nhân dân trong nước tiếp cận đến những nguồn thông tin phù hợp nhất với nhu cầu của họ, qua đó góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mỗi người dân.
 Các hình thức phục vụ trong thư viện cũng được cải tiến, nâng cao chất lượng và đa dạng hơn, phù hợp với tâm lý và tập quán của người dùng tin. Mọi người dân Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng tài liệu của thư viện công cộng. Thư viện công cộng đã và đang trở thành trung tâm văn hóa và thông tin của các địa phương trong cả nước.
Với tư cách một trung tâm văn hóa, thông tin của địa phương, sứ mệnh thỏa mãn nhu cầu thông tin, và hơn thế, kích thích phát triển nhu cầu thông tin lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân thuộc về các thư viện công công cộng. Nhu cầu thông tin cũng như các loại nhu cầu khác của con người vừa có tính bền vững vừa có khả năng biến đổi dưới tác động của môi trường xã hội. Càng được thỏa mãn ở mức độ cao, nhu cầu thông tin càng phát triển. Ngược lại, nếu thường xuyên không được đáp ứng, nhu cầu thông tin sẽ suy giảm, thoái hóa dần. Như vậy nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất của các thư viện công cộng nước ta trong giai đoạn hiện nay không chỉ là thỏa mãn nhu cầu thông tin mà còn là kích thích, phát triển các nhu cầu thông tin lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiệm vụ đó chỉ có thể giải quyết tốt nếu các thư viện công cộng từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của mình theo hướng phù hợp với nhu cầu, tâm lý và tập quán sử dụng thông tin của con người.
1. Phát triển nguồn lực thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng Giá trị của nguồn lực thông tin thể hiện ở mức độ phù hợp của nó với nhu cầu tin của các nhóm người dùng tin chủ yếu của thư viện. Vì vậy trong các tiêu chí thống kê báo cáo, ngoài số lượng tài liệu, tỷ lệ môn loại, cần chú ý tới sự phù hợp của vốn tài liệu với các nhu cầu thông tin chủ đạo của địa phương. Tiêu chí để liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin cũng nên chú ý  thể hiện khía cạnh này.
2.Tổ chức các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện phù hợp với tâm lý và tập quán của người sử dụng. Muốn đáp ứng nhu cầu thông tin, phải nắm được đặc điểm nhu cầu của người dùng thông tin bằng cách luôn có ý thức và kế hoạch nghiên cứu, quan sát họ. Nên chú trọng biên soạn và phổ biến các thư mục chuyên đề gắn liền với những yêu cầu phát triển sản xuất ở địa phương. Phát triển các hình thức phục vụ ngoài thư viện, luân chuyển sách thích hợp với điều kiện của địa phương để mỗi người dân đều có cơ hội tốt nhất tiếp cận và sử dụng sách của thư viện. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc sách bởi đây là những hình thức hoạt động đặc thù của các thư viện công cộng nhằm kích thích, định hướng, phát triển nhu cầu tin lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời thu hút lôi kéo họ sử dụng tài liệu của thư viện. Để đánh giá hiệu quả của hoạt động này, trong thống kê báo cáo nên chú ý cả số lần tổ chức dịch vụ và số người được sử dụng dịch vụ, số lượt mượn và vòng quay của tài liệu trước và sau khi tổ chức dịch vụ đó.
3. Tăng cường đầu tư cho thư viện công cộng, đồng thời tăng cường xã hội hóa hoạt động thư viện. Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động là những yếu tố gián tiếp  quyết định chất lượng và sức hấp dẫn của thư viện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới thiết kế trụ sở thư viện mang bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc.
4. Nâng cao trình độ cán bộ thư viện công cộng. Với những đặc điểm riêng trong hoạt động thư viện công cộng, cơ cấu năng lực của cán bộ thư viện công cộng cần phải có những nét đặc thù. Ngoài trình độ nghiệp vụ vững vàng, trình độ tin học và ngoại ngữ ở một mức độ nhất định, cán bộ thư viện công cộng cần phải được trang bị và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thích hợp. Đây là kỹ năng nền tảng để có thể đảm bảo tổ chức tốt các dịch vụ thông tin – thư viện, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin và phát triển, định hướng nhu cầu thông tin của mọi người tại các thư viện công cộng. Trong chương trình đào tạo cán bộ thông tin- thư viện, nên đặc biệt chú ý phát triển kỹ năng này.
Với tinh thần nỗ lực vươn lên không ngừng, phát huy thế mạnh, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, các thư viện công cộng ở nước ta sẽ thực sự trở thành những trung tâm văn hóa và thông tin không thể thiếu của mỗi địa phương trong cả nước. Hoạt động thư viện sẽ góp phần to lớn hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và vì thế nghề thư viện sẽ trở thành một nghề cao quý, đáng trân trọng hơn trong xã hội chúng ta.