Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

PHÁT TRIỂN NHU CẦU THÔNG TIN TRONG CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG

Thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã hội thông tin, trong đó thông tin và tri thức ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhiều người cho rằng khả năng khai thác và sử dụng thông tin là tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong thời đại ngày nay. Hoạt động thông tin – thư viện, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của bạn đọc vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển, con đường duy nhất của chúng ta là khai thác triệt để nguồn thông tin khoa học phong phú trên thế giới, vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của Việt Nam. Đảm bảo thông tin cho các tầng lớp nhân dân là sứ mạng của hệ thống các cơ quan thông tin – thư viện Việt Nam, trong đó có hệ thống thư viện công cộng.
Theo tinh thần Pháp lệnh thư viện, thư viện công cộng do ủy ban nhân dân các cấp thành lập, có đối tượng phục vụ là toàn bộ cư dân địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của các thư viện công cộng là thỏa mãn nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Trong thực tiễn, đây là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp vì đối tượng phục vụ của thư viện công cộng đa dạng và có thể phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Theo lứa tuổi, người sử dụng thông tin của thư viện công cộng bao gồm cả thiếu nhi và người lớn (đang trong độ tuổi lao động và đã nghỉ hưu). Theo nghề nghiệp, họ là những người trực tiếp tham gia hoạt động lao động sản xuất ở tất cả các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
Như vậy các thư viện công cộng có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là những người lao động và chuẩn bị tham gia lao động. Trước hết cần phải nhận thức rõ nhu cầu thông tin là đòi hỏi khách quan của cá nhân hoặc một nhóm người đối với việc tiếp nhận và sử dụng thông tin/ tài liệu. Nhu cầu thông tin – một nhu cầu tinh thần của con người – thường nảy sinh và phát triển trong quá trình con người tham gia các hoạt động sống khác nhau, nhằm giải quyết yêu cầu của các hoạt động đó. Hoạt động càng phức tạp, nhu cầu thông tin càng phát triển. Điều kiện xã hội diễn ra hoạt động thay đổi cũng làm nhu cầu tin biến đổi theo. Nhu cầu sử dụng thông tin trong các thư viện công cộng không chỉ đa dạng theo các nhóm người mà còn luôn biến đổi dưới tác động của các nhân tố xã hội khác nhau. Nhu cầu thông tin của họ gắn bó chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất. Người công nhân sẽ có ham muốn tìm kiếm thông tin, cải tiến quy trình lao động để đạt năng suất cao hơn. Người nông dân cũng say mê học hỏi kinh nghiệm nếu muốn tăng năng suất trên mảnh đất của mình,... Nhu cầu thông tin của họ được thỏa mãn đầy đủ, đồng nghĩa với năng suất lao động xã hội có điều kiện được nâng cao hơn. Thư viện công cộng là một trong những kênh thông tin quan trọng và thuận lợi giúp cho các tầng lớp nhân dân trong nước tiếp cận đến những nguồn thông tin phù hợp nhất với nhu cầu của họ, qua đó góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của mỗi người dân.
 Các hình thức phục vụ trong thư viện cũng được cải tiến, nâng cao chất lượng và đa dạng hơn, phù hợp với tâm lý và tập quán của người dùng tin. Mọi người dân Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng tài liệu của thư viện công cộng. Thư viện công cộng đã và đang trở thành trung tâm văn hóa và thông tin của các địa phương trong cả nước.
Với tư cách một trung tâm văn hóa, thông tin của địa phương, sứ mệnh thỏa mãn nhu cầu thông tin, và hơn thế, kích thích phát triển nhu cầu thông tin lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân thuộc về các thư viện công công cộng. Nhu cầu thông tin cũng như các loại nhu cầu khác của con người vừa có tính bền vững vừa có khả năng biến đổi dưới tác động của môi trường xã hội. Càng được thỏa mãn ở mức độ cao, nhu cầu thông tin càng phát triển. Ngược lại, nếu thường xuyên không được đáp ứng, nhu cầu thông tin sẽ suy giảm, thoái hóa dần. Như vậy nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất của các thư viện công cộng nước ta trong giai đoạn hiện nay không chỉ là thỏa mãn nhu cầu thông tin mà còn là kích thích, phát triển các nhu cầu thông tin lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhiệm vụ đó chỉ có thể giải quyết tốt nếu các thư viện công cộng từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của mình theo hướng phù hợp với nhu cầu, tâm lý và tập quán sử dụng thông tin của con người.
1. Phát triển nguồn lực thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng Giá trị của nguồn lực thông tin thể hiện ở mức độ phù hợp của nó với nhu cầu tin của các nhóm người dùng tin chủ yếu của thư viện. Vì vậy trong các tiêu chí thống kê báo cáo, ngoài số lượng tài liệu, tỷ lệ môn loại, cần chú ý tới sự phù hợp của vốn tài liệu với các nhu cầu thông tin chủ đạo của địa phương. Tiêu chí để liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin cũng nên chú ý  thể hiện khía cạnh này.
2.Tổ chức các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện phù hợp với tâm lý và tập quán của người sử dụng. Muốn đáp ứng nhu cầu thông tin, phải nắm được đặc điểm nhu cầu của người dùng thông tin bằng cách luôn có ý thức và kế hoạch nghiên cứu, quan sát họ. Nên chú trọng biên soạn và phổ biến các thư mục chuyên đề gắn liền với những yêu cầu phát triển sản xuất ở địa phương. Phát triển các hình thức phục vụ ngoài thư viện, luân chuyển sách thích hợp với điều kiện của địa phương để mỗi người dân đều có cơ hội tốt nhất tiếp cận và sử dụng sách của thư viện. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc sách bởi đây là những hình thức hoạt động đặc thù của các thư viện công cộng nhằm kích thích, định hướng, phát triển nhu cầu tin lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời thu hút lôi kéo họ sử dụng tài liệu của thư viện. Để đánh giá hiệu quả của hoạt động này, trong thống kê báo cáo nên chú ý cả số lần tổ chức dịch vụ và số người được sử dụng dịch vụ, số lượt mượn và vòng quay của tài liệu trước và sau khi tổ chức dịch vụ đó.
3. Tăng cường đầu tư cho thư viện công cộng, đồng thời tăng cường xã hội hóa hoạt động thư viện. Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động là những yếu tố gián tiếp  quyết định chất lượng và sức hấp dẫn của thư viện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới thiết kế trụ sở thư viện mang bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc.
4. Nâng cao trình độ cán bộ thư viện công cộng. Với những đặc điểm riêng trong hoạt động thư viện công cộng, cơ cấu năng lực của cán bộ thư viện công cộng cần phải có những nét đặc thù. Ngoài trình độ nghiệp vụ vững vàng, trình độ tin học và ngoại ngữ ở một mức độ nhất định, cán bộ thư viện công cộng cần phải được trang bị và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thích hợp. Đây là kỹ năng nền tảng để có thể đảm bảo tổ chức tốt các dịch vụ thông tin – thư viện, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin và phát triển, định hướng nhu cầu thông tin của mọi người tại các thư viện công cộng. Trong chương trình đào tạo cán bộ thông tin- thư viện, nên đặc biệt chú ý phát triển kỹ năng này.
Với tinh thần nỗ lực vươn lên không ngừng, phát huy thế mạnh, khắc phục mọi khó khăn trở ngại, các thư viện công cộng ở nước ta sẽ thực sự trở thành những trung tâm văn hóa và thông tin không thể thiếu của mỗi địa phương trong cả nước. Hoạt động thư viện sẽ góp phần to lớn hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và vì thế nghề thư viện sẽ trở thành một nghề cao quý, đáng trân trọng hơn trong xã hội chúng ta.

Tài liệu tham khảo
1. Đặng Mộng Lân (2001), Kinh tế tri thức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của Hệ thống thu viện công cộng (2006-2010), Phú Yên.